“Thế mà là nghệ thuật ư?”

Trong cuộc bàn luận sôi nổi về một bộ ảnh nude, câu hỏi muôn thủa của loài người được nhắc đi nhắc lại: Thế mà là nghệ thuật ư? (ê có cuốn sách tựa y này đấy!) Câu hỏi này cũ xì, lại còn không có câu trả lời tuyệt đối, nhưng việc đem ra nó "giày xéo" hết thời đại này sang thời đại khác lại cần thiết.

Trong bàn luận về bộ ảnh kể trên, ngay cả giữa cuộc hỗn chiến đầy từ ngữ tục tĩu lẫn những lá cờ "thuần phong mỹ tục" bay phần phật (buồn cười là những comment lôi chuyện đạo đức với thuần phong ra làm lý lẽ chính lại hay kèm chửi bậy lắm nhớ 🥲), ta vẫn có thể bắt gặp những bài viết rất nghiêm túc tìm cách phân tích, lý giải khía cạnh sáng tạo & ý nghĩa của bộ ảnh. Chưa bàn tới chuyện đúng sai, hay việc đọc xong những bài viết ấy có thuyết phục được những người đang thấy bộ ảnh hoàn toàn tục tĩu hay không, đây là thái độ đúng đắn để tiếp cận câu hỏi "Thế mà là nghệ thuật ư?".

Bức "The Art of Conversation" (1950) - René Magritte

Đầu tiên, ta không thể nhìn nhận được nghệ thuật thông qua con mắt đầy ghét bỏ và định kiến. Cá nhân mình tin rằng nghệ thuật là để giúp con người chống lại những thứ ấy. Kiểu ngày xưa nghe Heal the world của Michael Jackson bỗng muốn nối vòng tay lớn với toàn thể nhân loại vậy á. Mình chẳng biết gì về cô người mẫu nọ (và cũng không quan tâm), cũng có thể cô ta ngoài đời là một kẻ hư hỏng không ra gì (hoặc không). Nhưng nhân cách của người mẫu không quyết định giá trị của tác phẩm hay tài năng của tác giả. Giả sử cô gái trong Thiếu nữ bên hoa huệ bỗng bị bóc phốt là bé ba thì chúng ta hớt hải đi phủ nhận hay nhục mạ bức tranh của danh hoạ Tô Ngọc Vân hay sao? Ai lại làm chuyện ngốc nghếch dẩm dớ thế đúng không?

Tuy vậy, vấn đề này không mới, ngay ở một trong những cái nôi của hội hoạ thế giới là châu Âu thì chủ thể của bức tranh cũng từng là chuyện gây tranh cãi. Mà người ta cãi nhau từ thế kỷ 16 thôi 🙃. Hoạ sĩ người Ý nổi bật của trường phái Baroque - Michelangelo Merisi da Caravaggio - một 'drama king' chân chính, thường lấy gái làng chơi hoặc người vô gia cư làm mẫu vẽ cho nhiều bức đề tài tôn giáo & thần thoại. Vì ông muốn thể hiện nét chân thực của con người trong đời sống hàng ngày, cũng là phản kháng để bảo vệ những cách tiếp cận nghệ thuật mới. Và khỏi nói chuyện này đã "gây bão" thời ấy đến mức nào.
* Để tìm hiểu thêm về vụ này, mời các bạn thử google mẫu vẽ Anna Bianchini trong tranh Caravaggio nhé!

Bức “Martha and Mary Magdalene” (1598), Caravaggio vẽ Anna (trái) trong vai Martha (1598)

Nếu ghét người mẫu, hãy... thẳng thắn, tập trung đúng chủ đề. Dùng sự ghét bỏ này để hỏi "nghệ thuật ở đâu" thì dám chắc không bao giờ tìm ra được cái gì đẹp hết, bất kể có bao nhiêu người đã nghiêm túc trả lời câu hỏi đó giùm bạn. Cứ nhìn cách Hitler đốt tranh, tàn phá các tác phẩm mà xem (loại cực đoan nhất là vậy).

Có câu nói quen thuộc rằng "Cái gì cũng có thể trở thành nghệ thuật". Diễn đạt chính xác hơn thì: "Cái gì cũng có thể trở thành đề tài của một tác phẩm nghệ thuật". Một quả táo thì chỉ là táo thôi, nhưng có người vẽ mấy trăm bức quả táo khiến cả Paris kinh ngạc. Đấy là khác biệt giữa người có tài năng nghệ thuật (và rất nhiều ý chí) và người không có. Lại có cả sự khác biệt giữa người không có tài năng nghệ thuật nhưng biết thưởng thức nghệ thuật với người không có cả hai. Đừng là loại sau cùng, vì sống thế có vẻ thảm 🥲.

Bức “Still Life with Apples” (1895-1898) - Paul Cezanne, người đàn ông miệt mài vẽ táo, deadline không đuổi ông, ông đuổi deadline.

Nếu gạt được "tình cảm" cá nhân với người mẫu sang một bên rồi và vẫn thấy bộ ảnh không đẹp thì cũng chẳng sao cả. Vì còn rất nhiều bước tiếp theo. Và thực ra mình nghĩ các bước này chúng ta đều được học ở phổ thông rồi, trong mỗi tiết Văn.

Khi phân tích tác phẩm văn học, chúng ta được dẫn dắt từ hoàn cảnh sáng tác, lý lịch & tư tưởng của tác giả; rồi tới chủ đề tác phẩm (tác phẩm nói về điều gì?), thông điệp (tác giả muốn bày tỏ quan điểm gì qua câu chuyện đó), thủ pháp nghệ thuật (tác giả dùng cách gì để thể hiện thông điệp). Theo mình, đây là quy trình hợp lý và dễ áp dụng để hiểu về nghệ thuật nói chung, không riêng gì văn học.

Cái thiếu hụt thời phổ thông, khiến nhiều người quên mất tính đúng đắn của quy trình kể trên, là hạ thấp cảm nhận cá nhân của người đọc/ người xem. Chúng ta không có đủ thời lượng lẫn sự cởi mở, bao dung để học sinh kịp nghĩ xem mình cảm thấy gì từ tác phẩm này. Còn sai lầm của nhiều người khi đã rời khỏi ghế nhà trường, những nhân tố khát máu trong cuộc witch hunt, là chỉ còn suy diễn bằng cảm xúc cá nhân mà bỏ qua hết kiến thức nền tảng về nghệ thuật lẫn văn cảnh của tác phẩm. Thiếu một trong hai thứ đều khiến ta không thể tận hưởng nghệ thuật trọn vẹn được. Điều quan trọng thứ 3 nữa là thực hành.

Thời mình học cấp 3, có một thầy dạy Văn giỏi có tiếng ở Hà Nội. Mình không được học nhưng bạn bè nhiều người học, ai cũng khen. Thầy này nổi tiếng với câu nói: Nếu các em không thấy tác phẩm hay ở đâu thì đó là lỗi của tôi. Bạn có thể thích hoặc không thích tác phẩm, đó là quyền cá nhân không thể xâm phạm. Nhưng đấy không nên là kim bài miễn mọi tranh luận (aka mỗi người một cảm nhận), vì cảm xúc cá nhân chỉ là phân nửa quá trình, còn phần kỹ thuật & kiến thức nữa. Tôi có thể thấy hoạ sĩ này có kỹ năng vẽ đỉnh, tranh hoành tráng chỉn chu và vẫn không thích nó vì tôi không thấy đồng cảm với đề tài & thông điệp. Những người thầy giỏi cung cấp cho ta kiến thức nền để ta hiểu sâu sắc hơn về cảm xúc của chính ta trước các tác phẩm, chứ họ không áp đặt cảm xúc, không đổ lỗi học sinh dốt nên không hiểu được.

Để đi xa hơn nữa, hiểu ngọn ngành hơn nữa “nghệ thuật ở đâu”, ta cần thực hành nghệ thuật. Diễn đạt nghe to tát chứ đơn giản là: hãy viết, hãy vẽ, hãy hát, hãy nhảy múa, làm phim… không phải để tạo ra tuyệt tác hay kiếm sống, mà để tự mình trải nghiệm việc sáng tạo. Khi đó, bạn sẽ thật sự hiểu làm cái gì khó (lẫn thú vị) ra sao. Vất vả trồng cây thì càng thấm vị ngon của quả ngọt ý.

Chúng ta cần thời gian, lẫn những gian nan nhất định, mấy từ ngữ khó chưa gặp bao giờ, không hiểu nghĩa, bộ phim diễn biến chậm, bức ảnh có đề tài làm ta giật mình… để thách thức, để tạo cơ hội cho ta tìm hiểu thêm cái mới, hoặc phản biện thứ ta không đồng tình (nhưng bằng lý lẽ, logic hẳn hoi, không phải nện người khác bằng cảm xúc cá nhân của mình 🫠). Nếu chỉ chìm đắm trong những thứ hời hợt, dễ dàng, quen thuộc, ta khó lòng khai phá hết được tiềm năng của chính mình.

Next
Next

Từ 4rum đến FB, đi tìm “chân thành” trên internet,