Một căn tính ngoài công việc,
Mấy tuần nay mình đang trong giai đoạn căng thẳng kéo dài. Đến nỗi không thể cầm bút lên làm việc được. Cứ bắt đầu vẽ là đầu sẽ tự chạy 1001 viễn cảnh bi đát về tương lai. Và mình đang bị dồn ứ nhiều deadline, rất nhiều việc cần hoàn thành nên càng lo lắng, càng áp lực càng không thể vẽ được. Nó thành một vòng luẩn quẩn như vậy.
Câu hỏi thường xuất hiện là: nếu không làm những việc này thì mình là ai? Nếu cứ mãi là một tác giả/ hoạ sĩ xoàng xoàng thì có ý nghĩa gì không? Nếu mình có một cú hit lớn thì thế nào? Nếu đó là cú hit duy nhất của cả sự nghiệp thì sẽ ra sao? Bỏ đi những thứ này thì mình có còn chút thú vị nào không?
Mình luôn cảm thấy có độ vênh giữa những gì tự nhìn nhận về bản thân với người khác nhìn. Chuyện này không hiếm, tất nhiên, nhưng nó vẫn thường khiến mình ngạc nhiên, đôi lúc thấy buồn. Ví dụ, có thời gian nhiều người nói với mình rằng họ thích những thứ mình viết hơn là vẽ. Việc này làm mình lo ngại, mình vẽ tệ vậy sao? Vì mình thích viết nhưng không thích đến thế. Mình không có khao khát viết mãnh liệt. Mình cũng không có khao khát vẽ mãnh liệt lol. Thực tế là, mình thích kể chuyện thôi, và format mình lựa chọn từ đầu là hình ảnh (nên mình cần vẽ). Mình không viết một thời gian dài cũng thấy bình thường. Nhưng không vẽ gì sẽ khiến mình suy sụp.
Đôi lúc mình không dám chắc mình thấy được là chính mình mỗi khi đắm chìm vào việc vẽ những câu chuyện, hay mình thấy suy sụp khi không vẽ vì mình đã tự định nghĩa bản thân là một tác giả/ hoạ sĩ - nếu dừng (cố gắng) làm việc ấy thì mình vô dụng. Nó quay lại câu hỏi thường trực kể trên: nếu không làm những việc này thì mình là ai?
Mình từng nghĩ việc có thể sống bằng nghề là cột mốc vững chắc để xác định xem một người có khẳng định được cái danh từ nghề nghiệp của công việc họ đang làm hay không. Ý là, khi một người viết trở thành một nhà văn, một người vẽ trở thành một hoạ sĩ. Rồi các giải thưởng lớn nhỏ, danh sách khách hàng cao cấp, doanh số bán, thậm chí tài khoản mạng xã hội được bao nhiêu người theo dõi… đều là những minh chứng bồi đắp vững chắc thêm cho danh từ ấy. Ta khó lòng nói khơi khơi mình là ai nếu thiếu đi những sản phẩm được thừa nhận.
Nhưng khi đối mặt với nhiều sự thật phũ phàng, mình mất đi động lực để theo đuổi những cột mốc ấy. Ví dụ những giải thưởng pay-to-win, hoặc nặng nề political correctness; hay số phận một tác phẩm bị ảnh hưởng nhiều bởi mạng lưới quan hệ của tác giả… Độc giả/ khán giả có tác động lớn nhất tới thành bại của tác phẩm, nhưng thứ họ ít quyền kiểm soát hơn là tác phẩm nào tới được tay họ. Trước kia, quyền lực đó nằm trong tay các đơn vị xuất bản, các hãng đĩa, hãng phim… giờ nó thuộc về các thuật toán lẫn các ngón nghề tiếp thị.
Có thể đây chỉ là những suy nghĩ tiêu cực đang dồn ứ trong đầu mình thôi. Mình hi vọng là mình sai (sai hết thì càng tốt). Cả nghĩ cản trở mình hoàn thành công việc. Tuy vậy, trạng thái này rất giống những ngày cuối cấp 3 của mình. Mình không thấy còn việc gì có ý nghĩa, xứng đáng để nỗ lực.
Hồi đi học mình rất thích Văn và tiếng Anh, nói chung mình thích ngôn ngữ. Dù không phải học sinh chuyên hay thi học sinh giỏi gì, mình tự học sách nâng cao, thậm chí đọc từ điển cho vui. Cô giáo tiếng Anh cấp 3 của mình rất dốt, thường xuyên sai những kiến thức cơ bản. Và ngày đó thì mình rất ngu, mình ngang nhiên sửa lỗi, tranh cãi với cô trước cả lớp. Nếu được làm lại mình sẽ kệ, mình biết cái gì đúng là được. Mỗi người đều cần tự học cho bản thân. Trong lớp có nhiều bạn học giỏi tiếng Anh khác, dĩ nhiên cũng nhận ra cô sai nhưng họ không phản ứng gì. Họ vẫn làm đúng bài kiểm tra, điểm vẫn cao bình thường. Khỏi nói mình bị cô ghét ra mặt tới mức nào. Cô hay gọi mình lên bảng kiểm tra miệng, và cô sẽ lấy bài tập từ những cuốn sách nâng cao khác ngoài SGK. Mà mình vẫn làm được. Đỉnh điểm, cô hạ hẳn gần 1 phẩy tổng kết cuối năm của mình luôn (mình giữ tất cả bài kiểm tra để tự tính điểm phẩy cuối năm của các môn). Mình có thể đem tất cả bài kiểm tra để kiến nghị lên thẳng ban giám hiệu. Nhưng thời điểm đó mình cảm thấy dù 9 phẩy hay 5 phẩy tiếng Anh với mình cũng đâu nghĩa lý gì (thi ĐH đâu xét học bạ cấp 3. Khối mình thi còn ko có tiếng Anh. Thi tốt nghiệp thì chấp!). Nên mình chẳng làm gì hết, cũng không kể chuyện đó với ai (ngoại trừ lúc này đây, mình kể chuyện này trên mạng).
Mặt khác, mình nghĩ điểm tích cực của câu chuyện trên là mình gỡ bỏ ham muốn theo đuổi danh hiệu học sinh giỏi tiếng Anh, mà chỉ đơn thuần muốn học tiếng Anh thôi. Đến giờ thì mình cũng không xuất sắc gì, không có IELTS 8 chấm để khè thiên hạ (vì chưa thi bao giờ). Mình không phải một người giỏi tiếng Anh, mà dùng tiếng Anh thì mình dùng được, không khó khăn gì. Mà học tiếng Nhật lại là câu chuyện hoàn toàn khác haha, dù tôi đỗ N2 từ lâu rồi mà có là cái thá gì.
Tuy vậy, công việc - sự nghiệp lại là một vấn đề phức tạp hơn nhiều chuyện học tiếng Anh. Khi cố gắng trả lời câu hỏi ở đầu bài, mình nghĩ về những tác giả mình thích, điều gì khiến mình thích các tác phẩm của họ. Mình nhận ra rằng điểm chung là họ có trải nghiệm thật, những điều mình thấy cảm động là những điều mình cảm thấy như dứt ruột dứt gan của tác giả (thực hư sao thì ai biết). Vậy vì họ có những câu chuyện hay như này, đáng được kể như này mà họ trở thành tác giả hay vì họ muốn thành tác giả nên họ cần tìm những câu chuyện để kể? (nghe rất con gà - quả trứng nhề) Nếu họ không sáng tác nữa thì họ vẫn giữ được những ý tưởng hay ho đó, chỉ là không chia sẻ với người khác nữa thôi đúng không? Mình tin vậy với những tác giả mình thích nhưng lại không tin vậy với bản thân mình.
Mình nghĩ có thể đây là lúc cần những ý kiến khác, nếu là lời động viên thì càng tốt. Hoặc mình nên ra ngoài chạm rất nhiều cỏ.