Nào mình cùng block người nổi tiếng!
ĂN MIẾNG BÁNH XEM!
Gần đây mạng xã hội Mỹ đang rần rần “chiến dịch” block hết tài khoản của những người nổi tiếng #Blockout2024. Tất cả bắt đầu từ một clip ngắn vài chục giây của một cô người mẫu nọ (cũng là một hot tiktoker) quảng bá cho sự kiện MET gala*. Trong clip này cô ta có nói một câu “Let them eat cake”. Đây là ngòi nổ cho chiến dịch chống lại celeb/ KOL kể trên.
(*) MET GALA là một sự kiện thường niên nhằm gây quỹ cho Viện thời trang của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (MET), tổ chức lần đầu tiên vào 12/1948 với vé mời giá 50$. Giá vé năm nay đã lạm phát lên tới 75k$. Kể từ năm 1995, tạp chí thời trang Vouge trở thành BTC của sự kiện. Dù để tham dự sự kiện cần được mời (do đích thân tổng biên tập Vouge - Anna Wintour lựa), nhưng khách mời vẫn phải trả tiền vé cao ngất. Mỗi năm MET gala có một chủ đề, để gợi ý khách mời tham dự mặc theo; cũng là cơ hội để các nhà thiết kế thể hiện tài năng. Sự kiện này mặc dù có mục đích khởi điểm lành mạnh nhưng giờ đã trở thành biểu tượng sặc mùi tiền và địa vị. Việc này có thể do chất lượng thời trang của sự kiện suy giảm hoặc do cái nhìn của công chúng đã thay đổi (viết rõ ở phần sau).
Không biết vô tình hay hữu ý mà chủ đề của MET gala năm nay là The Garden of Time, dựa trên truyện ngắn cùng tên của J. G. Ballard. Cho dù ý nghĩa của tác phẩm được cho là “một câu chuyện bi thương về thời gian trôi qua như lẽ tự nhiên và sự mong manh của cuộc sống con người, cùng sự sụp đổ của tầng lớp quý tộc.” Nhưng câu chuyện kể về vợ chồng Bá tước sống sung sướng trong lâu đài lộng lẫy, cùng khu vườn kỳ diệu có khả năng quay ngược thời gian. Họ tận hưởng sự xa hoa tách biệt với thế giới khổ ải ngoài kia cho tới khi có đoàn quân (được miêu tả như những người nghèo khổ) tới tấn công. Không chắc có bao nhiêu người đọc một cách tử tế, để hiểu đúng thông điệp của tác giả (thế nào là đúng cũng khó nói). Nếu chỉ “đọc” trên tình tiết bề mặt thì rất dễ bị trigger ở thời điểm hiện tại.
Có thể cô người mẫu kia khi nói ra câu nói đó không biết về nguồn gốc của nó, chỉ vô tình trùng hợp chứ vốn có ý khác (chả hiểu có liên quan gì tới cái slang “ate” không?!). Nhưng sự tức giận của cộng đồng mạng là thật, và chúng ta có thể nhìn thấy những vấn đề khác thông qua sự kiện này.
NỔI TIẾNG TRONG THỜI ĐẠI INTERNET
Ý tưởng của chiến dịch block rất đơn giản: tầng lớp bình dân tin rằng quyền lực của người nổi tiếng nằm ở sức mạnh truyền thông. Lượng follower lớn trên các nền tảng mạng xã hội mang tới tiền bạc & danh tiếng. Vậy chúng ta block hết họ đi là cắt đứt quyền lực của họ, có thể gây sức ép lên người nổi tiếng; đồng thời để tự vệ khỏi chủ nghĩa tiêu dùng lẫn celebrity culture (“văn hoá” cày sâu cuốc bẫm vào đời tư người nổi tiếng)*. Hàng loạt các sao lớn mất tới cả triệu follower chỉ trong một ngày.
(*) Mọi chiến dịch xã hội thu hút được hàng triệu người tham gia đều sẽ phát sinh một cách tự nhiên. Có thể mục đích bắt đầu là A, nhưng sau khi lan rộng lại có thêm A’, B, C… Bài viết chỉ phân tích một số khía cạnh nhất định, chắc chắn sẽ có những thiếu sót, những vấn đề chưa được đụng tới.
Mạng xã hội nói riêng và internet nói chung, chỉ qua vài chục năm ngắn ngủi đã phát triển mãnh liệt, trở thành quyền lực mềm của thế giới. Thời mình mới dùng mạng, khoảng đầu những năm 2000, khi ấy người ta vẫn gọi “mạng là ảo”, rồi không coi những thứ trên mạng là nghiêm túc, hay có tác động gì lớn. Giờ chuyện đã khác. Làm nội dung trên mạng xã hội thành một nghề và follower hoá “tài sản”.
Sự cởi mở và bình đẳng trong sử dụng internet đem lại nhiều cơ hội mới cũng như những thay đổi sâu sắc cả tốt cả xấu trong xã hội. Mặt tiêu cực là giờ ai cũng có thể bất chợt nổi lên, thời đại này ai cũng có thể có 15ph nổi tiếng, đôi khi vì những lý do lãng nhách (hát dở quá, mặt ngớ ngẩn quá…), không cần tài năng gì mấy. Vậy nên, người nổi tiếng trong thời đại internet gây bối rối hơn hẳn các thời đại trước. Ngày trước, cái tiêu cực thường chỉ tạo ra tai tiếng; giờ chỉ cần có đủ người chú ý, người ta có thể đánh lận tai tiếng với danh tiếng. Cú bật của gia đình Kardashian bằng một đoạn phim nóng “homemade” là ví dụ tiêu biểu. Ngày trước, khán giả dễ dàng chỉ ra được vì sao một người nổi tiếng, vì hát hay, vì diễn xuất giỏi… Nhưng giờ nảy nòi ra “famous for being famous”. Cứ nổi tiếng trước đã rồi làm gì cũng được, mở nhà hàng, buôn mỹ phẩm… Hoặc đơn thuần chỉ là một người bình thường đánh đổi đời sống riêng tư của mình thành content (hôm nay tôi ăn gì, tôi đi đâu…) cũng được.
Vậy nên giờ người ta ít nể người nổi tiếng hơn, nhất là người nổi từ mxh. Có những người coi việc không thèm follow bất kỳ người nổi tiếng nào thể hiện sự ưu việt, tôi tỉnh táo hơn. Tiêu chí dễ nhất để đánh giá “sức mạnh” của “theo dõi” trên mxh là tạo ra bao nhiêu giá trị kinh tế. Số lượng follower lớn mấy cũng không ý nghĩa gì nếu không quy ra được “đơn hàng” (Tất nhiên ngoại trừ những người vốn giàu và chỉ muốn nổi tiếng). Thương hiệu ai cũng biết tên nhưng không ai mua hàng thì có tồn tại nổi không? Một ngôi sao có nhiều người theo dõi phải đồng nghĩa với các sản phẩm của ngôi sao đó được khán giả ủng hộ, bỏ tiền mua.
Cốt lõi là ta bị ảnh hưởng bao nhiêu bởi ý kiến của người khác, ta dollar voting thế nào. Bối rối ở chỗ: khán giả giờ liệu có hiểu mình đang follow, đang bị ảnh hưởng bởi một cá nhân vì lý do chính đáng, tích cực nào không. Liệu có khả năng tách biệt người nổi tiếng và sản phẩm ngoài chuyên môn của họ không? Mxh rút ngắn khoảng cách giữa người nổi tiếng với công chúng, khiến các mối quan hệ parasocial sâu sắc hơn; làm nhiều người nghĩ mình biết được toàn bộ con người thật của người nổi tiếng. Càng khiến họ tò mò đủ điều về đời sống cá nhân của các sao, mong càng “gần” họ càng tốt, cũng như muốn được thuộc về cộng đồng, không bị tụt hậu khỏi dòng chảy đương thời. Từ những chuyện nhỏ nhặt như cheap moment với thần tượng bằng cách mua cái áo giống thần tượng đã mặc, cho tới những thứ to tát hơn như bầu cử tổng thống theo thần tượng (hoặc hài hơn là bầu luôn thần tượng thành tổng thống).
Nếu thích ca sĩ nọ vì âm nhạc thì mình sẽ chỉ quan tâm & mua sản phẩm âm nhạc của họ thôi. Mình không để ý tới chuyện họ bỏ phiếu cho chính trị gia nào. Họ có quyền bày tỏ quan điểm chính trị cá nhân vì họ trước hết vẫn là công dân hợp pháp. Còn mình có đồng tình hay bị ảnh hưởng bởi ý kiến đó hay ko lại là lựa chọn của mình. Mình chỉ tin tưởng người đó nhất ở khoản chuyên môn âm nhạc. Những chuyện khác, mình vẫn có thể đồng tình với họ, nhưng chỉ sau khi mình đã tự suy nghĩ. Chứ ko phải vì thích nhạc nên cái gì họ nói mình cũng auto đồng tình cả, họ làm cái gì mình cũng bắt chước theo. Thích nhạc thì nghe nhạc thôi chứ mặc đồ giống họ mình cũng có thành sao đâu?!?
Chúng ta có thể thích tài năng của một người (ở lĩnh vực nào đó) mà không cần thích hết mọi thứ về họ.
Nếu bạn follow một nghệ sĩ vì thích tài năng (thật sự) của họ, muốn cập nhật thông tin về sản phẩm bạn thích thì có vấn đề gì?!? Nếu bạn không mù quáng tiêu tiền theo mọi lời quảng cáo của celeb thì celeb có giàu lên nhờ follower được không? Mỗi người đều có quyền tự suy nghĩ, tự quyết định chứ không phải vấn đề follow hay không. Dù công nhận rằng sự chú ý của công chúng là thứ “quyền lực mới” có thể mài ra ăn được, nhưng việc unfollow trên thực tế không giải quyết gốc rễ vấn đề. Chỉ cực đoan phủ nhận hết mọi thứ.
Lý do nữa mình nghĩ là sự bất mãn của công chúng với khoảng cách giàu nghèo & quyền lực. Câu nói vạ miệng cộng thêm chủ đề sự kiện có phần nhạy cảm như mồi lửa thổi bùng lên ẩn ức đã dồn nén từ lâu. Trong khi kinh tế thế giới nhìn chung đang khá lao đao sau đại dịch, những cuộc chiến tranh đang diễn ra, thì một sự kiện thời trang dành riêng cho giới siêu giàu với mấy cục nước đá bọc bông hồng trị giá 20k$ dường như thật thừa thãi, lố bịch và lãnh đạm.
Mình không nghĩ rằng cuộc sống ở nơi này phải dừng lại vì cuộc chiến ở một nơi khác, tuy vậy, một chút ý tứ, một chút tinh tế chia sẻ cũng không hại ai. Ví dụ ở một số nước châu Á, khi vừa có thảm hoạ lớn xảy ra thì người ta cũng tạm hoãn các sự kiện giải trí ầm ỹ. Nét văn hoá này giống như một cách khéo léo để bày tỏ sự cảm thông với đau thương mất mát của người khác. Các ngôi sao giải trí không cần chọn phe chính trị (dù chọn gì cũng sai cả) nhưng có thể hiểu được kỳ vọng của khán giả, mong celeb lên tiếng vì hoà bình, bày tỏ chút ít cảm thông với những đau khổ đang diễn ra với đồng loại. Nhất là trong một sự kiện thu hút truyền thông quốc tế như MET gala. Còn tận hưởng giàu sang mà kin kín thì ai biết đâu mà nói.
RỐT CỤC THÌ?
Không rõ liệu đây có trở thành dấu mốc cho sự sụp đổ của thời đại “ảnh hưởng” influencer, hay chỉ là một cú ăn vạ khác nữa của các chiến binh công lý trên mạng? Mình cho rằng sau cùng, quan trọng nhất là mỗi người tự bồi đắp, cải thiện nhận thức lẫn đạo đức để đưa ra được những quyết định chính xác hơn, có chính kiến hơn; nôm na ko để bản thân dễ bị dắt mũi. Mình cũng muốn những người càng tử tế, tài năng thì càng giàu có & nổi tiếng; mong ngây thơ thì là vậy.